Thứ 3, 28/01/2025, 7:54 PMWelcome Dân ngụ cư
Registration | Login
RSS
A1 Ngọc Hồi 2005-2008
Site menu
Cảm nhận
Đi học đại học các bạn thấy thế nào
Total of answers: 41
Đăng nhập
Tìm kiếm
[ New messages · Members · Forum rules · Search · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
Forum moderator: honest_man  
Cô giáo dạy văn mới
NguyenLeTuanDate: Thứ 3, 14/04/2009, 10:33 AM | Message # 1
Lớp phó lao động
Group: Admintrator
Messages: 33
Awards: 1
Reputation: 0
Status: Offline

Hôm đó, lớp 12A1 có tiết Văn đầu tiên của năm học mới. Cả lớp đang ồn ào như chợ vỡ bỗng lặng phắt. Tất cả các cặp mắt đều hướng về phía cửa, nơi cô giáo bước vào. Cô giáo rất trẻ. Nhưng như vậy thì cũng không có gì đáng bàn. Chúng tôi đã từng học không ít thầy cô giáo trẻ. Họ có một khuôn mặt chung của những người lần đầu tiên đặt chân lên bục giảng : ánh mắt ai cũng cố tỏ ra nghiêm nghị, nhưng vẫn không giấu được vẻ lo âu và đôi chút bối rối. Họ không nhìn thẳng xuống lớp mà cứ lướt đi đâu đó trên trần nhà hay nhìn ra ngoài hành lang. Và giọng nói. Mỗi người một chất giọng khác nhau (tất nhiên !). Mở đầu, giọng ai cũng hơi cao, với hi vọng có thể vượt qua những âm thanh hỗn độn trong lớp để tới được các đôi tai lơ đãng tận cuối phòng. Còn điểm giống nhau là ai cũng có vẻ hơi run. Trước hàng trăm con mắt đang nhìn xói vào mình, sao không run cho được ? Vì vậy tôi cho rằng, vẻ ngoài của giáo viên cũng rất quan trọng. Họ không nhất thiết phải đẹp, nhưng dứt khoát đừng xấu quá. Bởi vì những khiếm khuyết sẽ nhanh chóng bị phát hiện để rồi ngay sau đó, một biệt danh khá chính xác sẽ được gán thêm vào tên của họ. Ví dụ, thầy A dạy Toán răng hơi hô sẽ là "thầy Toán mái hiên". Cô B dạy Sinh học có đôi mắt một mí được gọi đơn giản : cô "tít Sinh". Mặt thầy Thể dục C không được phẳng phiu lắm sẽ có "ẩn danh" thầy "cơm cháy" v.v... Tất nhiên các "khổ chủ" chẳng mấy khi phát hiện ra điều này vì đó là một bí mật. Còn nữa, ai thấp thấp quá cũng nên coi chừng bị các "cây sào" của lớp đứng sau đo lén, giữa tiếng cười khúc khích của đám học trò có vẻ mặt hoàn toàn "vô tội". Thế mà, cái chợ vỡ 12A1 này sao bỗng dưng lặng phắt vậy ? Thì ra, lí do là vì cô giáo mới đẹp quá !

Cả lớp đứng trân, ngó cô mê mải. Cô giáo mỉm cười. Nụ cười của cô khiến chúng tôi "choáng" : Hai hàm răng đều tăm tắp như những hạt bắp. Cái lúm đồng tiền nho nhỏ bên má trái khiến nụ cười nửa tinh nghịch, nửa dịu dàng. Mắt cô cũng rất đẹp : lòng đen thì đen đến long lanh, còn lòng trắng có màu xanh nhạt. Chiếc áo dài màu xanh dương điểm những bông hoa trắng trang nhã ôm gọn thân hình thanh mảnh.

Cô giáo khẽ gật đầu. Những sợi tóc mai tranh thủ xoà xuống vầng trán trắng muốt :

- Chào các em ! Mời các em ngồi xuống !

Đợi cho những tiếng va chạm bàn ghế dứt hẳn, cô nói :

- Chúng ta làm quen với nhau nhé ! Tôi tên là Miên, Hải Miên. Tôi sẽ thay cô Hồng vừa chuyển trường vì lí do hợp lí hoá gia đình.

Những tiếng xì xào lan nhanh như tiếng rì rầm của sóng. Giọng cô giáo thanh và trong, những âm sắc rõ ràng, không run rẩy, cũng không cố cao giọng. Cô bước xuống, đi một vòng giữa hai dãy bàn rồi trở lại bục giảng. Cô đưa mắt nhìn từng học sinh rồi hỏi - một câu hỏi khá bất ngờ của tiết học đầu tiên :

- Môn Văn thật là chán ngắt, phải không các em ?

Cả lớp ngơ ngác. Trên các khuôn mặt bắt đầu lộ vẻ băn khoăn, đầy nghi ngờ như muốn tìm ra ẩn ý sâu xa đằng sau câu hỏi ấy. Nhưng đôi mắt xanh lơ của cô vẫn bình thản lướt qua từng người. Thỉnh thoảng, hai hàng mi dài cong vút lại hạ xuống, che khuất hai mặt nước lóng lánh. Cả lớp vẫn im lặng. Cô tiếp tục bằng một tiếng thở dài buồn bã :

- Tôi biết mà ! Đâu có ai thích học Văn ! Đúng không ?

Biết rồi mà sao còn hỏi ? Giờ Văn là những tiết học dài lê thê và buồn ngủ không thể tả. Nhưng không ai muốn trả lời. Biết đâu đó là một cái bẫy, lớ ngớ là bị sập, chết ngắc.

Cô Hải Miên đứng khoanh tay, lưng tựa vào cửa sổ. Mắt trái nheo nheo tinh nghịch. Trên môi là một nụ cười tươi rói :

- Phải vậy hôn ? Nào ! Hãy nói thẳng, nói thật ! Hôm nay tôi sẽ lắng nghe tất cả ! Đừng có mà nói dối tôi đó nha !

Cả lớp chợt ồ lên. Cô giáo mới vui thiệt ! Vậy thì cứ thử coi ! Những cái miệng bắt đầu tranh nhau mở ra cùng một lúc :

- Vâng ạ ! Dạ phải ! Đúng đấy ! Chán chết đi được !

Kèm theo đó là nhiều tiếng xì xầm, tiếng bàn ghế lạch cạch, tiếng quần áo sột soạt, tiếng xê dịch lích kích,... Hùng "lé" mở màn bằng cách đập mạnh bàn tay to bè của hắn lên bàn. Cả cái bàn rung lên bần bật kèm một tiếng "đét" :

- "Chời" ơi ! Cô giáo nói trúng phóc ! Chán nghét hà !

Hà Trang kêu lên bằng cái giọng the thé :

- Đúng quá cô ơi ! Thương tụi con với !

Từ bàn cuối cùng, tiếng Hải "quậy" vọng lên :

- Đến giờ Văn, cho tụi em nghỉ quách đi cô !

Nhiều nhất là những tiếng hỏi dồn dập :

- Cô ơi ! Sao cô biết tụi con ghét Văn ? Sao cô biết ?

Cô Hải Miên cố nín cười. Hai bàn tay đưa ra phía trước, vẫy vẫy. Cổ tay áo rộng bay lất phất thành một cử chỉ duyên dáng :

- Từ từ nào ! Ai muốn nói thì phải giơ tay chớ ! Từng người sẽ được "bày tỏ chính kiến" của mình, há !

Đài Nguyên, cô bé giỏi Văn nhất lớp, giơ tay :

- Em thưa cô...

Những ngón tay trắng muốt của cô hướng về phía Đài Nguyên :

- Nào ! Xin mời em ! À ! Mà trước khi "phát biểu", đề nghị các vị cho biết quý danh ! Được không ạ ?

Chúng tôi lại ngơ ngác. Mặt đứa nào cũng nghệt ra. "Quý danh" ? Nghe kêu như trong một cuộc hội nghị ấy. Trong khi đó, ba chữ "được không ạ", cô lại lên giọng một cách hài hước.

Lại nhao nhao :

- Được ạ ! Nhất trí ! Rất vui lòng !

Đợi tiếng ồn lắng xuống, Đài Nguyên đứng dậy, ý tứ vuốt vạt áo dài thẳng thớm :

- Thưa cô ! Em tên là Nguyên. Đài Nguyên. Em muốn hỏi : Cô đã biết vậy... nghĩa là cô đã biết tụi em hổng thích học môn Văn mà sao... mà sao... - Đài Nguyên lúng túng nhìn xung quanh tìm từ diễn đạt.

Cô Hải Miên khoát tay ra hiệu :

- Cô hiểu. Mời em ngồi ! Đài Nguyên ? Tên của em rất hay ! Em muốn hỏi, vì sao biết là chán ngắt mà tôi vẫn chọn môn này để dạy, phải hôn ?

- Vâng ạ ! - Nguyên gật đầu, khẽ khàng ngồi xuống. Hình như nó còn thở phào một tiếng thì phải. Đôi mắt nó mở to, hướng về cô giáo một cái nhìn âu yếm.

- Nào ! Đại biểu tiếp theo ! Tự do dân chủ mà ! Các vị cứ nói hết ý kiến của mình rồi tôi sẽ lần lượt trả lời.

Hà Vi nhỏ như một cái kẹo nhưng giọng nói thì oang oang :

- Em chẳng biết học Văn để làm gì. Chỉ tốn thời gian vô ích !

Tuấn "đen" hùng hồn :

- Chúng em đều chọn thi khối A thì cần gì đến môn Văn hả cô ?

Còn nhiều ý kiến khác nữa nhưng nói chung cũng đều na ná nhau. Câu hỏi nào cũng được cô gật gù nên đứa nào cũng tưởng ý mình nêu ra là hay nhất.

- Nào, còn ai muốn nói nữa hông ? - Cô Hải Miên đưa mắt nhìn khắp lớp.

Mọi người im lặng. Bỗng, Hải "quậy" lại hét lên từ cuối lớp. Nhưng "ý kiến" của hắn thì hoàn toàn lạc đề :

- Cô ơi ! Đẹp như cô làm người mẫu không sướng hơn đi dạy sao ? Phí quá trời !

Chà ! Cái thằng này ! Nói bậy bạ quá !

Nhiều cái đầu cùng ngoái ra sau, đổ dồn về phía "quậy". Hùng "sậy" nhíu mày, Hoa "ú" nhăn mặt, Bảo Trân "lép" trợn mắt. Cùng lúc là những tiếng phản kháng : "Hỗn !", "Đúng là quậy !", "Mới đầu năm đã sinh chuyện"...

Riêng "quậy" vẫn cứ tỉnh bơ, không thèm để ý. Hai mép hắn chành bành ra, nhơn nhơn và khiêu khích. Trong lớp, Hải nổi tiếng "siêu quậy". Ba là giám đốc sở, mẹ là trưởng phòng tổ chức công ti. Những đợt đóng góp, ủng hộ xây dựng trường đầu năm, ba mẹ hắn luôn đứng đầu danh sách "nhà tài trợ". Vì vậy, đến cả thầy Hiệu trưởng cũng không dám "động" đến hắn.

Tôi và mấy đứa bàn trên cùng ngước nhìn cô giáo. Chắc là cô Hải Miên giận lắm. Cô đâu có biết, nó là thằng học trò hỗn láo có tiếng. Ai đời lại so sánh nghề giáo cao quý với cái nghề người mẫu ? Nhưng mà, suy cho cùng, Hải "quậy" nói cũng có lí. Cô giáo đẹp thiệt !

Cô Hải Miên rời bục giảng, bước nhanh về phía cuối lớp. Tà áo dài xanh chuyển động nhịp nhàng sau những bước chân uyển chuyển khiến cả bọn lại ngẩn ra nhìn theo. Anh chàng Hải cũng trố mắt nhìn cô giáo, vẻ mặt căng thẳng. Cũng như chúng tôi, "quậy" đang chờ một cơn thịnh nộ sắp nổ ra. Ai dám chắc người đẹp không biết giận ?

Cô Hải Miên nhìn thẳng vào mắt hắn. Cái đầu tuyệt đẹp nghiêng nghiêng :

- Rất cám ơn lời khen của bạn ! À ! Mà tên bạn là gì nhỉ ? Tôi sẽ rất lấy làm hân hạnh nếu được làm quen với bạn !

Chà ! Chiêu này đặc biệt à nghen ! Cả lớp chợt cười ồ. Có những tiếng nhắc lao xao : "Hải !", "Hồng Hải !", "Hải quậy !", "Hải siêu quậy !".

Cô giáo lắc đầu, mặt nghiêm lại, làm ra vẻ đang thất vọng :

- Xin cám ơn ! Nhưng tôi đâu có hỏi các bạn ?

Lại bật ra những tiếng cười khúc khích nho nhỏ. Mặt Hải nghệt ra. Hai tay hắn lúng túng xoa xoa vào nhau. Hắn chưa biết phải giải quyết thế nào với tình huống khá bất ngờ này thì cô giáo dịu dàng :

- Trước hết, bạn nên đứng dậy ! Bởi vì dù sao tôi cũng là cô giáo mà !

"Quậy" làm theo ngay tắp lự như bị thôi miên. Mặt hắn đang tái xanh chuyển sang đỏ gay.

- Nào ! Bây giờ thì bạn hãy tự giới thiệu !

"Ngạc nhiên chưa ?". "Quậy" vốn coi trời bằng vung bỗng nhiên lắp bắp :

- Dạ ! Dạ ! Em tên Hải ! Nguyễn Hồng Hải !

- Được rồi ! Xin mời bạn Hải - bạn Nguyễn Hồng Hải - ngồi xuống ! (Cô nhấn mạnh cả tên và họ của Hải một cách cố ý khiến cả lớp lại phì cười).

"Quậy" len lén ngồi, mắt cụp xuống. Thật không thể tin được một phút trước đó hắn ta còn gân cổ la hét.

Cô Hải Miên quay trở lại giữa lớp. Cô đứng sát bàn của tôi, gần đến nỗi tôi nghe một mùi thơm dìu dịu. Một mùi thơm rất quen. à ! Phải rồi ! Mùi lá hương nhu tỏa ra từ tóc của cô. Những ngón tay thon thả của cô đan vào nhau rồi gập xuống trước ngực. Cô nói :

- Theo tôi nghĩ, các câu hỏi đều xoay quanh một chủ đề : "Môn Văn thật đáng ghét !" - Cô nhìn về phía Đài Nguyên, Hà Vi, Tuấn "đen",... và dừng lại Hải "quậy" - Tôi hoàn toàn đồng ý với các bạn ! Bởi vì, ngày xưa, tôi cũng đã từng rất không ưa môn Văn... Và, cũng như ý kiến bạn Hồng Hải, tôi đã từng được khuyến khích trở thành người mẫu...

Lại những tiếng "ồ", "à" lộn xộn. Vài tiếng vỗ tay lép bép. Riêng "quậy" hí lên vẻ khoái chí : "Thấy chưa ?". Trưởng lớp Dũng "râu" đứng lên, vỗ tay bốp bốp :

- Im lặng ! Đề nghị các bạn im lặng !

Cô Hải Miên nói tiếp :

- Nhưng có một lí do đã khiến tôi thay đổi để trở thành cô giáo dạy Văn.

Ngừng lại giây lát, cô hỏi :

- Các bạn có muốn nghe chuyện của tôi không ?

Tất nhiên là cả lớp nhao nhao : "Dạ có !", "Có ạ !"...

Cô đứng tựa người vào bàn, ánh mắt chợt xa xăm :

- ... Năm ấy, tôi đang học lớp 11. Cũng như các em, giờ Văn đối với tôi là một cực hình. Dù cố gắng đến mấy, tôi vẫn luôn buồn ngủ vì cái giọng đều đều của thầy Dự. Vốn biết là chẳng ai thích học giờ của mình nên ổng cứ kề rề cà rà cho qua thời gian. Vào lớp, mở sách ra, thầy bắt đầu đọc. Ai nghe thì nghe, không nghe thì thôi. Đứa nào ngủ thì ngủ. Ai làm việc gì thì cứ việc tiếp tục : "Mặc kệ chúng nó, không chịu học thì năm sau cho rớt tốt nghiệp !". Nhìn vào mắt thầy Dự, chúng tôi đọc được điều đó. Biết vậy, nhưng những lời giảng, hay đúng hơn là giọng đọc của thầy, cứ trợt qua tai, chẳng để lại một ý nghĩa gì. Thầy Dự cũng chẳng mấy khi dò bài hay kiểm tra. Cứ theo chương trình, lâu lâu có một bài tập làm văn, đủ để chia ra lấy điểm trung bình. Mặc dù tôi cố căng tai ra nghe và ghi chép những điều thầy đọc, nhưng những con chữ vẫn chạy ngoằn ngoèo trên trang vở vì tôi không thể nào điều khiển nổi cây bút bởi hai mí mắt cứ dính vào nhau...

Cả lớp lặng phắt. Cái giọng truyền cảm, lúc lên lúc xuống của cô giáo thật hấp dẫn.

- Thế rồi, một sự kiện xảy ra. Giữa học kì hai, có một đoàn giáo sinh về thực tập tại trường. Cái tin thời sự nóng hổi mới toanh này tôi không được biết vì hôm nào tôi cũng đi học trễ. Bao giờ cũng vậy, khi tiếng trống đầu tiên vang lên, tôi mới đặt chân vào cổng trường để rồi hối hả một tay xách cặp, tay kia nắm hai tà áo dài, vội vàng leo lên cầu thang.

Hôm đó, trong khi cắm cúi nhảy một lúc hai bậc, tôi va phải một người, làm cái cặp trên tay anh rơi xuống đất. Biết mình có lỗi, nhưng vì vội quá nên tôi vẫn chạy tiếp, chỉ kịp nói với lại một câu : "Nhặt giùm lên đi ! Bữa khác sẽ xin lỗi sau !". Người đó mỉm cười hiền lành : "Nhớ bữa khác đó nghen !".

Mấy phút sau, tôi tròn mắt khi cô giáo chủ nhiệm bước vào lớp cùng với anh, cái người mà tôi va phải trên cầu thang. Cô giới thiệu : "Đây là thầy Hoàng, sẽ chủ nhiệm lớp chúng ta trong thời gian tới !". Ánh mắt trong veo của thầy lướt qua cả lớp, hình như dừng lại hơi lâu trên gương mặt tôi. Tôi có cảm giác thầy hơi cười nữa thì phải.

Thầy Hoàng dạy môn Văn. Không ai nói ra nhưng những cái lắc đầu khe khẽ chứa đầy vẻ cảm thông : "Văn ? Ôi ! Ôi ! Tội nghiệp thầy chưa ?".

Cô Hải Miên lúc lắc mái tóc đen nhánh, hạ giọng thì thầm, mắt len lét đưa qua đưa lại để diễn tả khiến cả lớp đồng loạt cười ồ.

Ngay lập tức, thầy Hoàng nhận ra ánh mắt của tụi học trò. Thầy nhăn mặt, làm ra vẻ đau khổ : "Có vẻ như tôi không may mắn rồi ! Ai lại đi chọn môn Văn - cái môn đáng ghét nhất này để dạy, há ?". Rồi, thầy cao giọng : "Các em định nói thế phải không ?". Đúng quá ! Cả lớp phá lên cười. Rõ ràng thầy giáo trẻ đã thổi vào lớp luồng sinh khí mới.

Hôm đó, thầy Hoàng dành một buổi để tất cả học trò phát biểu một cách "tự do dân chủ". Cả bọn được nói thoải mái vì chẳng sợ bị "trù". Giáo sinh thì sức mấy mà "trù" được ai ? Chưa bao giờ lớp tôi có một buổi thảo luận sôi nổi như vậy. Thậm chí, tiếng trống vang lên báo hiệu hết tiết mà những ý kiến vẫn tiếp tục. Thầy Hoàng vừa lắng nghe, vừa ghi chép, vừa gật gù ra chiều đồng tình. Trước khi trao lớp lại cho cô Hoan dạy Toán tiết sau, thầy hứa một câu chắc nụi : "Tôi tin rằng chúng ta sẽ có những buổi học Văn khác hẳn !".

Đúng như thầy nói. Từ hôm đó, những tiết Văn trở thành những buổi thảo luận, mạn đàm sôi nổi. Với mỗi tiêu đề, thầy chỉ nêu vài gợi ý chính. Phần còn lại, trò tự về nhà tìm hiểu. Sau đó, mỗi người sẽ tự do phát biểu những nhận xét của mình. Thỉnh thoảng, thầy "lạc đề" sang những chuyện khác. Ví dụ như những câu chuyện tình cảm động của thi sĩ Hàn Mặc Tử, hoàn cảnh ra đời của bài thơ Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm, sự giống nhau kì lạ giữa AQ và Chí Phèo v.v... Những câu chuyện hồi hộp, gay cấn, cuốn hút được kể qua chất giọng trầm bổng của thầy trở thành nỗi đam mê của cả lớp. Trước đó, tôi không biết rằng, cái môn học tẻ nhạt với nhiều "nghị gật" này lại có thể thú vị đến thế. Ai cũng háo hức chờ đến giờ Văn, tất nhiên là cả tôi nữa. Tôi không chỉ say mê giờ Văn mà say mê cả người truyền đạt bởi tôi tự cho mình cái quyền "thân" hơn chút đỉnh vì sau vụ "đụng độ" trên cầu thang, tôi đã tìm cơ hội để xin lỗi và được biết một bí mật là tôi rất giống em gái của thầy. Có lẽ vì vậy nên tôi có cảm tưởng hình như thầy quan tâm đến tôi nhiều hơn chút xíu. Phải ! Một chút xíu thôi ! Bởi với ai thầy cũng rất vui vẻ, làm công việc gì cũng rất nhiệt tình, nói với ai cũng rất dịu dàng và nhìn ai cũng rất trìu mến. Nói tóm lại, thầy Hoàng trở thành thần tượng của tất cả chúng tôi không chỉ vì lí do đã biến môn Văn thành một môn học yêu thích mà còn vì những tính cách rất đáng yêu của mình. Kết quả là, nhiều bạn quyết định sẽ tích cực học thêm môn Văn để năm sau, lên lớp 12 sẽ thay đổi nguyện vọng đăng kí dự thi đại học...

Cô Hải Miên im lặng giây lát rồi bỗng trầm giọng :

- Nhưng cũng chính vì cách dạy mới mẻ này mà thầy Hoàng bị phê bình, kiểm điểm liên tục. Cuối cùng, sau hai tháng "dạy thử nghiệm", thầy Hoàng bị đình chỉ thực tập trước thời hạn, trả về trường, với lí do "sử dụng phương pháp giảng dạy phản sư phạm"...

Câu sau cùng cô nói rất nhỏ. Cả lớp ngồi yên, lặng lẽ đến độ có thể nghe rõ cả tiếng chân rất nhẹ ngoài hành lang. Mấy phút trôi qua. Tôi khẽ kéo vạt áo cô giáo, thì thầm :

- Rồi sao nữa, cô ?

Cô Hải Miên cúi xuống nhìn tôi rất nhanh rồi ngẩng lên, buồn bã :

- Thầy Hoàng đã bị treo bằng, sau đó phải chuyển nghề...

Cả lớp bật lên những tiếng lào xào : "Vô lí !", "Tội nghiệp !", "Oan quá !"...

Một thoáng thâm trầm lướt trên nét mặt, cô giáo kể tiếp :

- Cả lớp đều rất thương thầy nhưng hồi đó chúng tôi không thể làm gì để giúp thầy. Hôm chia tay, trong khi nhiều đứa con gái rớt nước mắt thì thầy Hoàng vẫn cười và nhắc đi nhắc lại : "Các em đừng buồn ! Thầy tin rằng, đến một lúc nào đó, phương pháp dạy của thầy sẽ được chấp nhận !".

Một năm sau, hơn nửa lớp, trong đó có tôi, quyết định thi vào Đại học Sư phạm Văn. Luận văn tốt nghiệp đại học của chúng tôi đều xoay quanh chủ đề : "Cải tiến phương pháp dạy và học môn Văn" ; "Dạy và học môn Văn theo phương pháp Ceminar" v.v...

Lời tiên đoán của thầy Hoàng đã được khẳng định. Tất cả các luận văn đều đạt điểm tối đa, được đưa vào áp dụng thử tại một số trường điểm, được các chuyên gia đánh giá cao. Nhân cơ sở đó, chúng tôi tìm mọi cách minh oan cho thầy Hoàng.

Lại nhao nhao những câu hỏi :

- Kết quả thế nào ạ ? Tốt đẹp chứ ? Thầy Hoàng đã trở lại nghề chưa cô ?

Lúc này, trên cặp môi tuyệt đẹp của cô Hải Miên nở ra một nụ cười tươi rói khiến gương mặt cô bừng sáng :

- Rất tốt đẹp nữa là khác ! Thầy Hoàng không những được trở lại nghề cũ mà còn được đề bạt làm Trưởng bộ môn Văn của một trường chuyên trong thành phố ! Phương pháp dạy Văn của thầy Hoàng đã được chính thức áp dụng tại các trường phổ thông !

Tiếng hoan hô nổi lên rần rần. Khi trật tự được vãn hồi, cô đưa mắt nhìn cả lớp. Đôi mắt xanh trong vắt lại nheo nheo tinh nghịch :

- Và tôi hi vọng, với sự ủng hộ của các bạn, môn Văn sẽ không bị xem là chán ngắt ! Các bạn có đồng ý giúp tôi không ?

Tất cả năm mươi mốt cái miệng cùng tròn vo :

- Dạ có ! Dạ có ! Nhất định rồi, thưa cô !

Hình như tiếng Hải "quậy" to nhất. Tự nhiên, tôi cảm thấy hắn cũng đâu có đến nỗi đáng ghét như mọi khi.

TRẦN THỊ GIAO THUỶ
Kĩ sư, 74B Hùng Vương,
TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà

 
thewindDate: Thứ 3, 14/04/2009, 11:36 PM | Message # 2
Tổ trưởng
Group: Thành Viên
Messages: 22
Awards: 2
Reputation: 0
Status: Offline
truyện ngắn gì mà dài dữ vậy sếp Giỏ
nhìn qua đã thấy ngại rồi
 
NguyenLeTuanDate: Thứ 4, 15/04/2009, 6:22 PM | Message # 3
Lớp phó lao động
Group: Admintrator
Messages: 33
Awards: 1
Reputation: 0
Status: Offline
ngắn đấy chứ, chẳng qua do ô post bài hơi nhỏ nên trông dài ku ạ 81
 
boy_gorillaDate: Thứ 2, 20/04/2009, 0:36 AM | Message # 4
Đội Trưởng Đội Spam
Group: Assassin
Messages: 64
Awards: 2
Reputation: 0
Status: Offline
Hay và ý nghĩa, nhưng vẫn ko lay chuyển đc " tình cảm " với môn Văn của mình 81 81

Làm trai gõ phím bình thiên hạ
 
  • Page 1 of 1
  • 1
Search: