Đồng nước nổi - ngày... tháng... năm. Thưa thầy !
Con biết là nhận được thư này Thầy buồn lắm. Con không dám gặp Thầy mà chỉ dám nhờ bạn Tèo chuyển thư tới cho Thầy. Tèo nói là chính nó có thể vài bữa nữa cũng nghỉ, như vậy lớp mình chắc quá lưa thưa.
Thầy ơi !
Con bỏ học không phải do học khó đâu Thầy ạ. Con biết rằng các thầy rất thương con, nhiều bài tập toán từ mấy năm rồi con cứ được giải đi giải lại chứ có phải mới mẻ gì đâu. Văn thì càng dễ vô cùng, chỉ cần học thuộc mấy bài thơ và thêm vài trang văn mẫu thì chả sợ gì cả. Môn lịch sử khỏi học vì không có giáo viên, còn môn địa lý con đã nhớ rằng quả đất là tròn (quả trăng và quả mặt trời cũng thế) và nước ta sẽ không có tuyết, về cơ bản như thế là xong.
Thầy ơi !
Nói chung học không có gì nặng nhọc cả, và con biết là học để hiểu ra nhiều điều. Nhờ có trường, con hiểu mình đang nằm trong thế kỷ bao nhiêu và con cá voi có họ hàng với con bò sữa. Cũng nhờ có trường, con biết trên đời có nhiều trường khác, có nhiều trò khác mặc dù con chỉ có Thầy mà thôi.
Thầy cũng đừng nghĩ con bỏ học vì con chê trường mình ọp ẹp. Tuy trường còn lợp lá, bàn của trường cái ba chân, cái bốn chân, cái lại ba chân rưỡi nhưng so với nhà con thì trường còn rộng mênh mông. Cũng chẳng ngại đi học đường xa đâu Thầy, vì tụi con từ bé tới giờ đều thành thạo bơi xuồng, lội nước và leo cầu khỉ, nên quãng đường đi tuy dài nhưng cũng chả khó khăn, chưa kể nhiều lúc còn bắt được cá hay ếch trên đường, thành thử học cũng chả khác gì mần ruộng.
Con cũng không quá sợ tiền học phí, vì ba má nói rằng cùng lắm không có tiền thì mình đóng lúa hay đóng tôm khô. Con chưa thấy các bạn nộp những thứ ấy bao giờ nhưng con đoán có nộp chắc nhà trường cũng nhận, nỡ nào từ chối phải không Thầy? Nhà con rất nhiều lúc không tiền, nhưng lúa và tôm thì còn cắt và câu được nếu nước còn lên, mà nước ở vùng mình chả khi nào hết cả.
Thầy kính mến!
Thú thực với Thầy, con bỏ học vì con chưa biết học mãi để làm gì. Con đã học vài năm rồi, đã thuộc bảng cửu chương và coi chuyện tranh được rồi thì biết thêm làm gì nữa nhỉ? Ví dụ con biết nước ta có thành phố, thành phố to đẹp lắm nhưng muốn lên thành phố đâu cần phải học mới đi. Thậm chí bạn bè nói càng ít học càng đi cơ mà. Còn những nơi xa xôi như Nhật hay Tàu thì con đoán rằng có học tới mút mùa con cũng chẳng đến để làm chi cả.
Chắc Thầy cho con là nhỏ hẹp, không nhìn được cái gì hơn một ngọn cây. Thầy ơi, đúng là từ nhỏ con không thấy cái gì cao hơn cái cây, cũng như chẳng thấy gì ngon hơn con cá nướng. Con có nghe đồn như thế là lạc hậu, nhưng nếu số phận con phải lạc hậu để cho thiên hạ văn minh con cũng cam lòng. Mà chưa chắc đâu Thầy ạ, chẳng hạn quê mình ai lên thành phố cũng mua bánh mì về và chia cả xóm ăn vui vẻ lắm nhưng người ta lại nói trên ấy bánh mì là đồ vớ vẩn, cá nướng mới gọi là sang, thực con không sao hiểu nổi. Nếu dân thành thị học mù trời để rồi mong ăn cá nướng thì đèn sách làm gì cho mất công?
Thầy luôn nói với con rằng học để có kiến thức, và khi kiến thức đầy mình sẽ làm nên tất cả. Con tin thế. Nhưng xung quanh thiên hạ hay nói láo nháo muốn làm tất cả lại phải giàu cơ. Con có hỏi ba má thì cả ba lẫn má đều không biết, vì không học cũng không giàu. Nhưng có một điều chắc chắn là ba má thương tụi con. Hình như tình thương không phải học, nó có sẵn rồi trong trời trong đất nhà mình.
Thầy ơi !
Lý do chính con thôi học là con đã lớn rồi, đã tới lúc phải phụ với ba cắt lúa và phụ với má bơi xuồng. Dưới con còn năm đứa em, chúng nó chưa biết làm hai thứ ấy. Phải xa trường con nhớ các bạn lắm, và nhất là nhớ Thầy những bữa nước ngập Thầy vừa xắn quần vừa viết bảng nom lộng lẫy vô cùng (con không biết dùng từ lộng lẫy có đúng không, nhưng con không nhiều từ để sử dụng). Thầy còn băng bó khi thằng Tý té khỏi lưng trâu và nấu cháo cho con Út ăn khi mà nó xỉu. Những cử chỉ đó con xin khắc vào tim dù lúc này tim con rất nhỏ.
Con chúc Thầy ở lại trường mạnh khỏe và con hứa sẽ lội đến thăm Thầy, mang tặng Thầy một tô cá rô kho.
Con của Thầy